4 cu khoai
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

Go down
Admin
Admin
Admin
Posts : 10
Join date : 2018-09-18
https://4notepad.forumotion.com

DMP - ta?n va(n Empty DMP - ta?n va(n

Tue Sep 18, 2018 10:39 pm
Xưa ông nội tôi dặn không được ăn thịt trâu, thịt chó. Nếu bọn trẻ con hỏi vì sao, ông không có câu trả lời nào khác hơn là trâu giúp ta đi cày có hạt gạo ăn (xưa hạt gạo rất quí), chó là con vật trung thành.

Sợ con cháu không nghe, các cụ chép các câu thơ dán ở bếp trong chùa:
Không ăn thịt chó, thịt trâu,
Chốn tội tù thì khỏi sa vào.

Thuở bé, nhà chúng tôi luôn luôn nuôi chó và mèo, nên quan niệm về gia đình là có: ba má, anh chị em, chó mèo, thì mới là đủ.

Bây giờ, thí dụ có cãi nhau với một bạn nào đó là nhà văn (rất nhiều nhà văn Việt ăn thịt chó), nhà văn hoá, hoặc một sinh viên giỏi môn lý luận cho rằng ăn thịt chó là đúng, thì chắc chắn là tôi thua. Tôi thua vì các bạn ấy đúng, chấm hết. Vì sao những con khác thì ăn được, còn hai con này thì không? Đem câu trả lời của ông nội ra, chỉ để cho các bạn cười. Đọc câu thơ dán trên tường bếp chùa sẽ còn bị cười nhiều hơn.

Tôi cũng ghét dị đoan, nhưng xin các bạn phân biệt giữa một kiểu tin dị đoan mấy thầy bùa vẽ ra để lừa lọc kiếm lời, và sự dị đoan của ông bà mình nhờ trực giác biết ăn thịt trâu thịt chó là sai, nhưng không tìm ra lời lẽ và lý luận nào để nói ra được.

.
Đầu tiên tôi xin nhận lý luận của các bạn là đúng trước, tôi không cãi được: Những con khác ăn được, thì trâu chó cũng vậy.

Nhưng cho tôi xin được nói thêm một chuyện.

Nếu bạn giết một con chó, ngoài việc bạn giết một con vật, bạn cũng giết một người bạn, phản một lòng tin. Thật lâu trước đây, chó là sói, tự đi săn, nếu gặp nhau trong rừng, người là mồi của sói nhiều hơn ngược lại. Nhưng con người về sau khôn hơn. Người nói: sói đánh hơi giỏi, về với ta, giúp ta đi săn, canh lều, ta chia phần ăn với sói, có chỗ ngủ ấm, mình giúp nhau, là bạn của nhau. Nhiều người nói rằng chính sự hợp tác này giúp con người tồn sinh. (Việc con người sau đó trở thành bá chủ trái đất có phải là việc hay hay không không nằm trong khuôn khổ của bài này.)

Chuyện lâu quá rồi, ai cũng đã quên. Nhưng tôi tin có một thứ ký ức vô ngôn vẫn còn trong chúng ta, sinh ra đã có. Nó khiến cho ông nội tôi cũng như một đứa trẻ 5 tuổi khóc khi thấy một con chó bị giết để ăn: đó là một hành động phản bội thoả ước giữa 2 bên.

Bạn tin vào sức mạnh của lý luận, cho rằng lý luận đúng thì cái gì cũng đúng, bất kể nước mắt đứa trẻ khóc khi con chó của nó bị giết để ăn, nó không biết nói gì hơn là: Đừng! Bé không bao giờ phản biện nổi lý luận của bạn. Nhưng tôi tin bé hơn bạn thì sao?

Trước đây con người đã từng ăn thịt người. Con đường văn minh rất dài, xin đừng đi ngược. Nếu bạn nói không ăn chó thì cũng đừng ăn gà thì tôi theo và kiên nhẫn chờ chuyện đó xảy ra dù không biết là bao giờ. Nhưng bạn nói ăn gà được thì ăn chó cũng được thì tôi không theo. Bạn đem bản sắc văn hoá ra hoặc có lý luận hay kiểu gì tôi cũng cũng đem vứt sọt rác hết.


Last edited by Admin on Tue Sep 18, 2018 10:58 pm; edited 1 time in total
Admin
Admin
Admin
Posts : 10
Join date : 2018-09-18
https://4notepad.forumotion.com

DMP - ta?n va(n Empty Re: DMP - ta?n va(n

Tue Sep 18, 2018 10:41 pm
Ngôn ngữ là phương tiện chúng ta nói điều mình nghĩ, bạn không thể nói hoặc viết hay hơn bạn nghĩ, nên luyện một ngôn ngữ là luyện khả năng suy nghĩ. Ngược lại, ngôn ngữ giúp bạn suy nghĩ khúc chiết. Ngôn ngữ là phương tiện chính của ý thức, và để trao đổi.

Dù quan trọng, nó không phải là tất cả, chỉ là một lựa chọn. Tôi tập viết văn chỉ vì và sau khi không được học nhạc tiếp. Tôi ao ước biết đánh đàn và không biết viết văn hơn.

Cho tới ngày nay, tôi vẫn còn e dè với ngôn ngữ, vì - kiến trúc và âm nhạc cũng có thể lừa dối và phá hoại, nhưng không bao giờ ở tầm vóc mà ngôn ngữ có thể và đã làm. Người Đức giỏi nhạc, nhưng nhạc không làm được điều mà Beethoven nói, là truyền tải được triết lý nhiều hơn môn triết học, ít nhất nếu nhìn vào số đông.

Bạn nói hay, thì bạn thắng. Ngôn ngữ dẫn dắt thế giới. Bạn theo ngành kiến trúc, bạn không thể xây nhà không có gạch đá được, nhưng ngôn ngữ có thể dựng nên sự thật từ không khí, bằng tư duy trừu tượng. Người nắm giữ sự thật, bạn biết rồi, quyền lực của họ gần như vô biên.

Không dùng ngôn ngữ thì giống như tắm em bé xong đổ cả em bé theo nước tắm. Nhưng chúng ta có thể làm cho ngôn ngữ khiêm nhường, trong sáng và thật hơn. Bớt nói và tin vào khẩu hiệu, và chỉ dùng lý luận khi nó dẫn tới chứ không phải tạo ra sự thật. “Sự thật chỉ có một”, “THE Truth”, không còn nữa. Trái đất từng phẳng, hôm nay nó hình cầu, ngày mai nó rỗng không và tìm hiểu trái đất là tìm hiểu cái không chứ không phải cái có, ai biết được.

Tôi biết rằng vừa hiểu sự thật không phải chỉ có một, vừa giữ được lòng tin cơ bản và trung kiên cho việc làm người - như lòng tin về sự từ bi - là việc vô cùng khó. Nhưng chúng ta có cách nào khác không?

Tôi mong muốn dùng từ trong truyện kiếm hiệp, xưng mình là kẻ hèn này, xin mạo muội, run run giơ tay xin được nói thiển ý của mình trên tường nhà riêng: bạn hãy tưởng tượng một tiếng Việt bỏ đi các ý thức về quyền lực, bỏ đi các lý luận đanh thép, bỏ đi độc quyền sự thật, bỏ đi các chỗ thâm, các chỗ giáo huấn, giăng bẫy… chúng ta còn lại gì? Không phải là một ngôn ngữ nghèo nàn, mà là những con người, cơm nước, quần áo, nhà cửa, đường đi, cây cỏ, thú vật, sông suổi… tất cả như nó là, hiền lành vậy thôi. Nếu không tô vẽ là nghèo nàn thì, ừ, nghèo cũng được mà.
Admin
Admin
Admin
Posts : 10
Join date : 2018-09-18
https://4notepad.forumotion.com

DMP - ta?n va(n Empty Re: DMP - ta?n va(n

Tue Sep 18, 2018 10:41 pm
mây

ĐOÀN MINH PHƯỢNG·SUNDAY, SEPTEMBER 16, 2018

Tôi gửi ảnh mây, bạn nói tôi mơ màng lãng đãng. Ừ, mây thì trôi, tôi làm sao được. Nhưng cái gì mới thật, cái gì mới vững vàng? Một lâu đài, một tượng đài? Xây một tượng đài, người ta nghĩ đúc bằng xi măng cốt sắt thì tượng, tức là biểu tượng của một sự thật nào đó, trở thành bất tử. Nhưng sự thật không dựa vào xi măng và sắt mà dựa vào lòng tin, dựa vào thứ dễ đổ vỡ mau phai tàn nhất. Khi lòng tin không còn, tượng còn lại gì?  Mây cũng vô thường, nhưng các điều kiện, tức là duyên làm nên mây nằm ở lưng trời, không lệ thuộc vào mê vọng của con người. So với quãng đời ngắn ngủi của toàn bộ nhân loài chấp thêm cả trí nhớ của họ mây mới là vô hạn.

Con người biết mặt trời đứng yên bao nhiêu năm rồi, nhưng trong ngôn ngữ của họ, mặt trời vẫn mọc mỗi sáng và lặn mỗi chiều. Không dễ gì họ bỏ đi ý niệm họ ở kinh đô, vĩnh viễn là trung tâm cố định từ đó tất cả mọi thứ phải đo đường đi đến. Tôi không biết nếu ngôn ngữ chúng ta thay đổi, thay vì nói mặt trời vừa lặn, chúng ta nói - như một bạn kia đề nghị - trái đất xoay nhà tôi vừa đi vào bóng tối trái đất tự đổ lên nó, thì chúng ta có khác hay không? Tôi tin là có, chúng ta sẽ phiêu bồng hơn trong tâm tưởng khi biết mình đang trôi như mây không phải chỉ trong thời mà cả không gian. Quan niệm về sự trường cửu và an định sẽ thay đổi.


Last edited by Admin on Tue Sep 18, 2018 10:57 pm; edited 1 time in total
Admin
Admin
Admin
Posts : 10
Join date : 2018-09-18
https://4notepad.forumotion.com

DMP - ta?n va(n Empty Re: DMP - ta?n va(n

Tue Sep 18, 2018 10:57 pm
Ban đầu tôi không định đăng mẩu ký ức này, vì nó kể lại một câu chuyện buồn của gia đình. Nỗi buồn nào cũng riêng tư, và chuyện càng buồn thì càng có chút gì đó như là thiêng liêng làm mình muốn để yên nó ở một nơi nào đó im và tối.

Nhưng về sau, tôi hiểu có rất nhiều người nước tôi có một nỗi buồn giống như vậy, nghĩa là nó không còn là nỗi buồn riêng nữa: dù của một nhà thơ không được đọc hay một người thợ muốn dâng hiến tất cả những gì mình làm ra được từ bàn tay thật thà nhưng không được ai ngó tới. Họ mất tiền, thất chí, lạc loài, và họ chết đi. Cùng với họ, bao nhiêu thứ đẹp đẽ bị vùi lấp và bao nhiêu câu chuyện không bao giờ còn được kể.
Admin
Admin
Admin
Posts : 10
Join date : 2018-09-18
https://4notepad.forumotion.com

DMP - ta?n va(n Empty Re: DMP - ta?n va(n

Tue Sep 25, 2018 1:43 pm
Một bài không định viết II

ĐOÀN MINH PHƯỢNG·TUESDAY, SEPTEMBER 25, 2018

Đàn cò đã bay suốt ngày, qua cơn giông bão trên biển vào buổi chiều, đã tả tơi, vẫn bay suốt đêm, rồi lại ngày, không chỗ đậu, đàn cò tan tác và chết dần trên không.

Tôi không có mặt ở đó. Một người bạn kể lại câu chuyện Cái chết của đàn cò Eo Gió bằng ảnh. Đàn cò không về tổ được vì người ta đã  phá tổ của chúng khi  đào xới khu rừng dương nhỏ ven biển để xây resort. Cò không đáp được cũng không bay đi tìm quê hương khác mà bay mãi quanh quẩn vì tổ có trứng, có chim non.

https://www.facebook.com/blue.fam.1/media_set?set=a.10210354766980288&type=3

Tôi xem xong lặng người đi. Nói rằng tôi buồn thì cũng như không nói gì, và nếu tôi khóc nước mắt cũng không có nghĩa gì. Sự thật là tôi không khóc, nhận ra sự vô nghĩa và vô dụng của mình đã làm tê liệt suy nghĩ cũng như tuyến nước mắt. Irrelevance là chữ Yuval Noah Harari dùng trong một câu chuyện khác nhưng cùng tả một sự tê liệt giống như vậy trong cuốn 21 Lessons for the 21st Century. Nỗi sợ của nhân loại trong suốt lịch sử là nỗi sợ bị bóc lột. Con người đã đi qua các chế độ khổ sai, nô lệ, tù binh, tá nông… nhưng tất cả những thứ đó có thể không là gì so với nguy cơ kinh khủng có thể sắp xảy ra là sự irrelevance của họ, tức sự có mặt của họ không còn cần thiết nữa khi công nghệ tin học và công nghệ sinh học thiết kế ra được giống người mới tốt hơn. Có thể có một mối dây, một sự tương đồng nào đó giữa chữ irrelevance mà Harari nói và cảm giác mà tôi có nếu chúng ta đào sâu đến cuối cùng. Nhưng tôi sẽ không làm chuyện đó lúc này.

Tôi quay về với Cái chết của đàn cò Eo Gió.

Điều con người sợ nhất là sự bóc lột vì đó là điều đầu tiên và xuyên suốt xảy ra bất cứ nơi nào có một xã hội con người thành hình. Lịch sử nhân loại là lịch sử xây thành luỹ hoặc là phá thành luỹ, hoặc là cả hai cùng lúc, của sự bóc lột. Loài người được rèn luyện trong muôn ngàn kiếp đã trở nên thành thạo và tinh tế trong cả việc làm và việc chống người bóc lột người. Họ dần văn minh hơn. Họ có tôn giáo, khoa học, triết học, âm nhạc… Họ có chính trị, luật pháp, kinh tế… Giá trị lớn lao nhất họ đạt được là chống bóc lột, thiết lập nguyên tắc bình đẳng giữa con người. Họ đặt giá trị một con người, mỗi con người, là thiêng liêng, tuyệt đối, để cho người khác không được đụng vào, vì người khác luôn luôn lăm lăm muốn đụng vào. Dùng quyền lực để bóc lột là bản năng muôn đời.

Làm người, cuối cùng, là cân bằng giữa bản năng và lý tưởng, giữa quyền lợi bản thân và quyền lợi cộng đồng, nói ngắn, là giữa xấu và tốt. Nhưng cái tốt chỉ bảo vệ con người trước con người, chứ không bảo vệ vạn vật trước con người. Chính tên của cái tốt, tính nhân văn, đã xác định điều đó. Một dòng sông, hoặc các loài ngụ ở sông, không có tư cách pháp nhân để đi kiện khi người ta đổ thuốc độc vào dòng nước.

Một người quen có một thời khá thân, có học bổng đi Anh, rồi bắt đầu học đạo Phật từ một thầy Việt kiều ở Mỹ, về nhà giảng pháp lại cho chúng tôi. Một đoạn về tu và đầu thai bạn ấy nói: một con chuồn chuồn, nếu làm tốt, sẽ đầu thai làm một con chim sẻ, kiếp sau nữa thành  con ngỗng trời, rồi một con nai, một con người. Ngược lại, nếu con chuồn chuồn ấy xấu, kiếp sau nó sẽ là con chuột, con sâu, rồi con gián…  Tôi nói với bạn rằng con chuồn chuồn không có khả năng là một con chuồn chuồn tốt hay một con chuồn chuồn xấu. Nó chỉ có thể là một con chuồn chuồn mà thôi. Nhưng bạn không hiểu tôi, ý niệm tốt xấu đã thấm quá sâu, sự phân biệt, do học được từ lúc còn bé trước khi ý thức thành hình, bạn không thể nhớ lại khởi đầu của nó, nên bạn nghĩ bạn sinh ra đã biết tốt xấu, nó là thuộc tính gắn liền với mọi hiện hữu. Thật ra học nhất nguyên có gì khó đâu, chỉ cần ngồi ngắm con chuồn chuồn một buổi trưa. Vì nó không bóc lột ai, không thể xấu, nên nó chẳng cần phải tốt. Động vật dù có con đi săn có con làm mồi, muôn thú không bóc lột, nên không tốt xấu. Nhưng với con người thì quá trễ rồi, bỏ nhị nguyên với họ chỉ có nghĩa là tha hồ làm xấu không cần phải tốt nữa mà thôi.

Loài người được thiên nhiên dung dưỡng, quay lại bóc lột thiên nhiên đã gần cạn kiệt. Đến lúc này, năm nay, mà giá trị cao nhất của con người, giá trị nhân văn, vẫn  không bao bọc hoặc đi ngược lại với sự yên lành cho vạn vật thì tôi không còn tin ở nó nữa. Tôi rơi vào một cơn khủng hoảng tên là irrelevance, nó khác với cái mà Haari nói, nhưng cùng tả một sự tê liệt vì sự vô dụng của mình, sự vô nghĩa của những việc mình làm.

Tôi viết không có gì mới. Tôi chỉ sắp xếp lại một vài thứ đã đọc, đã nghe, hoặc đã cảm, đã nghĩ, cố gắng tự hiểu mình, tự dẫn mình ra khỏi cơn tuyệt vọng. Viết cho riêng mình tới đây tôi nghĩ tôi muốn share với bạn, chỉ vậy thôi chứ tôi không biết và không bao giờ có ý định viết về đạo đức, triết lý, lịch sử, Phật giáo… Có thể tôi bỏ không viết nữa, có thể tôi hiểu ra can đảm là vẫn làm khi không có cách, có thể tôi muốn làm một người can đảm.
Sponsored content

DMP - ta?n va(n Empty Re: DMP - ta?n va(n

Back to top
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum